Có nên nuôi con theo kiểu cha mẹ "trực thăng" ?
O'HANA
-0 Bình luận
“Helicopter parents” (cha mẹ trực thăng) là cách gọi những ông bố bà mẹ chăm con quá kỹ, luôn ở bên cạnh, hướng con theo ý mình. Những chiếc “trực thăng” lởn vởn ngay trên đầu, đeo bám đối tượng là hình ảnh liên tưởng khá sinh động để nhắc khéo những phụ huynh không chịu “buông tha” con mình. Những cha mẹ kiểu này quản lý và định hướng mọi thứ trong cuộc sống của đứa trẻ, từ việc lựa chọn quần áo, ăn uống, lựa chọn các môn học năng khiếu, kết bạn, cho đến những quyết định trong cuộc sống như chọn trường đại học, nghề nghiệp tương lai.
Nhiều nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra, “bố mẹ trực thăng” những năm gần đây trở thành hiện tượng khá phổ biến. Theo một khảo sát, có đến 38% sinh viên năm thứ nhất thừa nhận bố mẹ vẫn can thiệp, thay mình giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đối với sinh viên năm cuối, tỷ lệ này là 29%. Theo trung tâm khảo sát Pew, 73% phụ huynh từ 40-60 tuổi vẫn còn chu cấp tiền cho con (ngoài chi phí đại học).
Các chuyên gia cho rằng, cha mẹ ở thế kỷ 21 không phải là thiếu kiến thức khoa học khi dạy con, tuy nhiên “Thay vì cố gắng điều khiển lũ trẻ thì hãy hướng dẫn rồi thả chúng tự tìm hiểu, bởi nếu kiểm soát bọn trẻ trong một thời gian dài sẽ khiến mọi chuyện trở nên tệ hại hơn”.
Có nên nuôi con theo kiểu cha mẹ "trực thăng" ?
Nhìn chung, gia đình càng khá giả, bố mẹ càng chăm chút con nhiều hơn. Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Wendy Mogel, tác giả của nhiều cuốn sách về làm cha mẹ xác nhận, nhiều khách hàng của bà nay đã là người trưởng thành thường gặp các vấn đề về tâm lý, và vẫn còn loanh quanh tìm hiểu bản thân vì có “bố mẹ trực thăng”. Họ được bảo bọc quá kỹ đến mức chẳng còn khả năng đương đầu với khó khăn hay chấp nhận thất bại, đối diện với thực tế.
Nghiên cứu của Ellen Sandseter – một giáo sư về giáo dục mầm non tại trường Đại học Queen Maud ở Trondheim, Na Uy – đã phát hiện rằng những đứa trẻ dành nhiều thời gian khám phá về thế giới xung quanh trước khi lên 9 tuổi ít bị lo lắng và hồi hộp khi xa cách người thân.
Điều này cho thấy những vết thương nhỏ và thất bại của trẻ trong quãng đầu đời giúp ích nhiều cho sự tự tin và phát triển tâm lý của chúng sau này. Những thất bại, vấp ngã dạy cho trẻ biết được đâu là giới hạn của mình, làm thế nào để xử lý những tình huống đáng sợ đó, học cách kiểm soát rủi ro và nỗi sợ hãi của chính mình.“Việc chúng ta lo lắng thái quá có thể làm chúng sợ hãi hơn và tăng tỉ lệ mắc bệnh về tâm lý”, bà viết.
Thế nên với những đứa trẻ bị nuôi theo phong cách “trực thăng”, bị cha mẹ kiểm soát chặt chẽ sẽ không có cơ hội để tự mình trải nghiệm và rút ra những bài học cho bản thân. Điều này khiến đến khi lớn khôn, các em sẽ không thể chống chọi với những bất ngờ, trắc trở trong cuộc sống, tâm lý không vững vàng để vượt qua những lúc khó khăn.
Các nghiên cứu cho biết, những sinh viên đại học có phụ huynh quan tâm thái quá được phản ánh có những dấu hiệu trầm cảm dễ nhận thấy và ít hài lòng với cuộc sống
Nhiều nghiên cứu trong 100,000 sinh viên cho thấy:
- 84% cảm thấy quá tải bởi trách nhiệm.
- 60,5% cảm thấy thực sự buồn rầu.
- 57% cảm thấy cô đơn.
- 51,3% cảm thấy quá nhiều lo âu.
- 4% từng nghĩ đến việc tự tử.
Phương pháp dạy con của cha mẹ trực thăng sẽ khiến trẻ lệ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ về cả tình cảm và cả các hoạt động cá nhân. Những đứa trẻ này sẽ khó có khả năng tự phát triển, hay ứng phó với những sóng gió ngoài xã hội.
Hơn nữa, các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi cha mẹ dành quá nhiều thời gian chăm bẵm và quan tâm con cái thường khiến quan hệ vợ chồng bị rạn nứt, các hoạt động xã hội mờ nhạt dần và chính bản thân họ cũng không có thời gian để thư giãn hay nghỉ ngơi.
Vậy nên, hãy để trẻ tự khám phá, học hỏi... mà không cần phải “hy sinh” quá mức vì chăm sóc chúng thái quá sẽ có tác dụng ngược lại và làm hại cho tương lai của bọn trẻ sau này.
Bình luận của bạn