Lợi ích của việc trẻ hay ốm khi đi học mầm non
O'HANA
-0 Bình luận
Trẻ dễ mắc bệnh nếu đi học mầm non. Nhưng đến khi vào tiểu học, sức đề kháng của trẻ đã học mầm non lại tốt hơn trẻ không học.
Theo Babycentre, trẻ bị ốm khi đi học mầm non là bình thường. Theo bác sĩ nhi khoa Canada Henry Ukpeh, trung bình trẻ dính bệnh 12 lần trong 12 tháng đầu tiên đi trẻ. Bệnh phổ biến là sổ mũi, ho, nôn trớ, sốt do viêm họng, sốt siêu vi dù ở nhà trẻ khỏe mạnh bình thường.
Thực tế hệ miễn dịch trẻ được mẹ truyền cho từ trong bào thai chỉ đủ để bảo vệ trẻ trong 6 tháng đầu đời. Giai đoạn từ 6 tháng đến khoảng 3-5 tuổi là lúc sức đề kháng của trẻ yếu nhất, dễ mắc bệnh nhất. Đây cũng là tuổi trẻ đi nhà trẻ và mầm non.
Một nghiên cứu của trường Đại học Montreal (Canada) phát hiện trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo dễ bị ốm hơn trẻ chỉ ở nhà. Bệnh sẽ giảm dần cho đến khi trẻ vào tiểu học. Thế nhưng những trẻ không đi học mầm non đến khi vào tiểu học lại dễ mắc bệnh. Bởi trong quá trình đi học mầm non, trẻ đã tự xây dựng được hệ thống miễn dịch cho mình.
Chuyên gia tâm lý cho rằng, khi thấy con ốm và muốn con ở nhà là tâm lý hết sức bình thường ở người mẹ, đó dường như là bản năng để bảo vệ con của người mẹ.
Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng khi trẻ thay đổi môi trường sống (đang từ nhà đến trường, lại đông bạn hơn), ốm là điều hết sức bình thường, và đó là cách trẻ thay đổi mình, thích nghi với môi trường mới.
Cha mẹ cũng cần hiểu rằng, trẻ hay ốm không phải vì môi trường không tốt, các cô nuôi dạy trẻ chưa biết cách chăm sóc hay chưa quan tâm tới các bé mà bởi thể trạng của từng trẻ là khác nhau và sức miễn dịch của bé hiện tại còn non nớt. Nhưng cha mẹ hãy yên tâm rằng con sẽ thích nghi nhanh chóng.
Các chuyên gia cũng có những lời khuyên cho cha mẹ như sau: Ngoài chuẩn bị tinh thần, vật chất cho con đi học, phụ huynh nên giúp con tăng cường sức đề kháng trước khi đến trường. Có thể cha mẹ bổ sung thêm những vitamin, khoáng chất cho con mỗi ngày. Cho bé uống nhiều nước cam, thay đổi món ăn thường xuyên (có đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính), kích thích trẻ ăn ngon miệng… điều này giúp bé khỏe mạnh hơn và có khả năng thích nghi với môi trường mới một cách tốt hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên giúp bé có được một giấc ngủ sâu và ngủ ngon. Chất lượng giấc ngủ liên quan tới sức khỏe của trẻ. Thiếu ngủ sẽ khiến trẻ dễ ốm hơn, khi ngủ đủ sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ được tái tạo, tăng cường.
Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ tuyệt đối không tự ý kê đơn cho con mà cần cho bé đi khám, tìm ra bệnh lý liên quan và điều trị dứt điểm theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bình luận của bạn