8 sai lầm mà cha mẹ thường mắc phải khi hành xử với con ở lứa tuổi mẫu giáo
Ohana
-0 Bình luận
Mặc dù trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo thường muốn được độc lập, nhưng chúng vẫn muốn có sự quan tâm, chú ý và tình yêu thương từ những người chăm sóc. Đôi khi để có được sự chú ý của cha mẹ, trẻ có những hành vi xấu và đẩy sự kiên nhẫn của cha mẹ đến bờ vực. Đừng sợ, chúng ta sẽ có cách ! Dưới đây là 8 sai lầm phổ biến mà các bậc phụ huynh thường mắc phải, kèm theo đó là một vài gợi ý giúp bạn tránh hoặc giải quyết tình thế. Cùng tìm hiểu để khắc phục những sai lầm phổ biến này.
1. Hay thay đổi thời gian biểu
Đối với trẻ nhỏ thì sự ổn định là điều vô cùng quan trọng. Khi lịch trình bị xáo trộn, trẻ hay bị mất bình tĩnh và rất dễ nổi cáu.
Trẻ có thể sẽ thắc mắc vì sao lần trước mẹ cho chơi ngoài sân thêm 10 phút sau khi tan học nhưng lần này lại muốn đi về ngay. Hoặc tại sao tối qua mẹ nằm với con 10 phút trước khi ngủ nhưng hôm nay mẹ lại bảo là không thể.
Khắc phục: Hãy nhất quán với thời gian biểu bạn đặt ra - cho dù đó là quy định, thói quen ngủ hay lịch ăn. Nếu lịch trình bạn đặt ra nhất quán tới 90% thời gian và bé nhà bạn đang thích ứng tốt, thì nếu xảy ra vài ngoại lệ nhỏ trẻ vẫn có thế chấp nhận được.
2. Tập trung vào sự tiêu cực
Cha mẹ không để tâm đến những hành vi tốt của con mà chỉ quát mắng và la hét khi trẻ có hành xử xấu. Điều này rất dễ kích động trẻ có những hành xử xấu hơn.
Cha mẹ chỉ tập trung vào những thứ mà họ không muốn con làm. Kiểu như: “Đừng đánh. Đừng ném. Đừng nói linh tinh”.
Khắc phục: Hãy quan tâm khi trẻ làm những việc tích cực và hãy khen ngợi hành vi tốt của trẻ.
Phần thưởng cho những hành động tích cực có thể là lời khen ngợi, hoặc có khi chỉ đơn giản là một cái ôm hôn đầy yêu thương. “Kiểu khen thưởng này thực sự phù hợp với trẻ mầm non”.
Hãy nói với trẻ, “Bố mẹ thích cách con ngồi yên và lắng nghe” hoặc “Bố mẹ rất vui khi thấy con thân thiện với các bạn ở sân chơi”.
3. Bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo
Các bậc phụ huynh thường cố trấn an trẻ khi chúng đang nổi cơn tam bành và câu nói hay được sử dụng là “Con hãy bình tĩnh, bình tĩnh lại nào!”. Nhưng điều đó giống như bạn đang giải thích với một con cá vàng. Cái mà bạn có thể làm ngay lập tức là đánh lạc hướng trẻ, nhưng khi cơn thịnh nộ của trẻ đã lên đến đỉnh điểm thì bạn không thể làm gì được, trẻ sẽ không nghe lời bạn nữa.
Khắc phục: Để ý và lường trước những biểu hiện của trẻ, thí dụ như : đói khát, mệt mỏi và chán nản. Và đừng đưa trẻ tới siêu thị trừ khi bé đã ngủ trưa hoặc bạn đã dự trữ sẵn một gói đồ ăn bổ dưỡng trong túi.
4. Khuyến khích sự mè nheo của trẻ
Trẻ mè nheo có làm bạn phát điên không? Thí dụ, trẻ có khiến bạn tức giận khi chuẩn bị đến bữa tối, đồ ăn đã sẵn sàng, thì trẻ lại bắt đầu phụng phịu “Con muốn đi chơi công viên” hoặc “Con muốn chơi với bạn Tom.”
Các bậc phụ huynh thường nhượng bộ khi trẻ mè nheo, nhưng việc này chỉ làm tăng thêm các hành vi gây chú ý của trẻ. Con bạn sẽ tìm ra điểm yếu của bạn và sẽ càng lợi dụng nó.
“Đây là lứa tuổi mà trẻ thoát ra khỏi vỏ bọc của chúng”. “Hãy cẩn trọng, vì chúng biết cái gì có tác dụng”.
Khắc phục: Hãy lờ đi như không nghe thấy.
Đối với hành vi không hung hăng, chỉ là kêu ca hoặc hờn dỗi, bạn nên bỏ qua nếu bạn không muốn đáp ứng. Trẻ thấy bạn kiên định, chúng sẽ nghĩ “À, cách này không có tác dụng rồi”.
5. Đưa ra thời gian biểu quá tải
Cha mẹ thường xếp kín lịch cho các hoạt động như múa hay nhạc. Sau đó lại tự hỏi tại sao con không lên giường và ngủ ngay sau khi trải qua nhiều hoạt động mà chắc chắn đã khiến chúng mệt mỏi.
Vấn đề là trẻ vẫn đang căng thẳng và cần thời gian để thư giãn. Mọi đứa trẻ đều cần thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là trẻ mẫu giáo. Cho dù trẻ ở trường cả ngày hay chỉ ở trường có 2 tiếng thì chúng có thể cũng rất mệt rồi.
Khắc phục: Đừng làm con bạn quá tải hoặc dồn dập các hoạt động liên tục. Để cho trẻ có thời gian chơi tự do khi trẻ từ trường về nhà.
6. Đánh giá thấp tầm quan trọng của việc chơi
Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy họ nên đăng ký cho trẻ các hoạt động ngoại khoá tăng cường. Nhưng điều này thực sự không cần thiết. Thứ giá trị nhất ở độ tuổi này là để trẻ chơi tự do, bao gồm các trò chơi đóng kịch (mang tính tưởng tượng), trò xây dựng và chạy nhảy xung quanh. Chơi tự do là cách tốt nhất để trẻ phát triển trí tuệ. Trong khi chơi, trẻ sẽ tự đưa bản thân vào các thử thách phù hợp – không quá dễ hoặc quá khó.
Khắc phục: Để cho trẻ thời gian và không gian để chơi tự do. Hãy nhớ rằng trẻ mẫu giáo định nghĩa việc chơi là “thứ trẻ có thể làm khi trẻ được quyền lựa chọn”.
Lựa chọn tự do – khía cạnh tự nguyện của việc chơi – rất quan trọng. Trẻ mẫu giáo thích dùng máy hút bụi hay làm việc nhà, với trẻ đó là trò chơi. Nó không nằm trong danh sách việc nhà của chúng. Trẻ chọn làm việc đó và chúng chỉ làm cho vui mà thôi.
7. Bị xao nhãng bởi công việc hàng ngày
Con bạn có thể chơi một cách độc lập hoàn toàn, nhưng đó không có nghĩa là trẻ không cần sự quan tâm từ bạn. Sẽ là thiếu sót nếu cha mẹ không ngồi xuống và chơi với trẻ. Có nhiều cha mẹ không những không chơi cùng con, nhiều người trong số họ còn dễ dàng bị phân tâm bởi điện thoại, email hoặc các việc khác. Trẻ nhỏ đâu có ngốc nghếch. Chúng biết cha mẹ có chú ý tới chúng hay không.
Khắc phục: Chủ động đề ra thời gian, nhiệt tình và tham gia cùng con trong thời gian chơi được định trước. Chỉ cần nửa tiếng tập trung chơi với con mà không bị phân tâm hay lo lắng về bữa tối hay công việc, sẽ tốt hơn là bạn dành cho con cả ngày nhưng chỉ với một nửa sự chú ý.
8. Phản ứng thái quá với những lời nói dối
Trẻ nói dối khiến cha mẹ bực bội. Trẻ làm việc này chỉ để xem thái độ của cha mẹ thế nào chứ chúng không để tâm đến vấn đề “đạo đức”.
Khi trẻ bắt đầu nói dối, đây là một bước nhận thức lớn. Nó mang đến cho trẻ trạng thái thích thú pha chút sợ hãi. Việc nói dối có hàm chứa cảm xúc. Nhưng khi cha mẹ nổi giận và nhìn trẻ như thể chúng đáng bị ngồi tù, thì trẻ sẽ rất căng thẳng và lo lắng.
Khắc phục: Đừng phản ứng thái quá. Bạn nên hiểu rằng một hai câu nói dối vô hại là một phần bình thường trong sự phát triển của trẻ. Đừng quá lo lắng với những lời nói dối đó. Ví dụ, con bạn vờ như không có vấn đề gì sau một sự cố, bạn có thể nói một cách tỉnh bơ là “Mẹ biết là con cũng cảm thấy tồi tệ”.
Nuôi dạy con cái hiệu quả cần có thời gian, sự kiên nhẫn và tình yêu thương. Cũng nên nhớ rằng những thay đổi có thể không xảy ra chỉ sau một đêm. Nhưng theo một câu châm ngôn cũ, “Nếu lúc đầu bạn không thành công, hãy cố gắng thử đi thử lại.”
Bình luận của bạn